Tê giác trắng đực cuối cùng Sudan được google doodle tưởng nhớ

14 Tháng Năm, 2021 0 thanh12

Sudan – chú tê giác trắng đực cuối cùng còn sống sót trên Trái Đất đã được Google Doodle thay đổi logo giao diện để tưởng nhớ vào ngày 20/12/2020. Chắc rằng có rất nhiều người không biết đến Sudan cho đến khi nhìn thấy hình ảnh của chú trên google doodle . Để biết thêm thông tin về chú tê giác trắng đực ở Bắc Phi này, mời các bạn cùng theo dõi nội dung trong bài viết được Palda.vn chia sẻ ngay dưới đây!

Sudan – chú tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng

Sudan – Chú tê giác đực trắng cuối cùng được Google tưởng nhớ

Vào ngày 20/12/2020 vừa qua, Google Doodle đã đổi ảnh giao diện trên trang chủ của mình để tưởng nhớ tới Sudan – tê giác trắng đực cuối cùng thuộc loài tê giác trắng ở Bắc Phi đã lìa đời ở tuổi 45. Mặc dù các nhà khoa học cùng bác sĩ thú y đã tìm đủ mọi cách để cứu chữa nhưng nó đã không qua khỏi.

Sudan (1973 – 19/3/2018) là tên của một cá thể tê giác trắng đến từ phương Bắc (Ceratotherium simum cottoni). Đây cũng là chú tê giác trắng đực cuối cùng trên Trái Đất này.

Google Doodle tưởng nhớ 2 năm ngày mất của Sudan

Hình ảnh giao diện Google Doodle tưởng nhớ 2 năm ngày mất của Sudan

Tháng 2/1975, khi mới được hai tuổi, Sudan đã dính phải bẫy của những người thợ săn thú cùng với 5 con tê giác trắng khác gồm hai con đực: Sudan và Saut, cùng bốn con cái là Nola, Nuri, Nadi và Nesari.

Từ năm 1975 – 2009, Sudan được nuôi dưỡng tại Sở thú Dvůr Králové, Cộng hòa Séc. Sau đó nó được chuyển tới Khu bảo tồn Ol Pejeta tại Laikipia, Kenya để sinh sống cho tới những ngày cuối đời.

Sudan vốn được coi là một ngôi sao nổi tiếng, thu hút được hàng ngàn du khách. Năm 2017, chú được công nhận là chàng tê giác đạt chuẩn mực nhất thế giới trên ứng dụng hẹn hò Tinder. Chương trình này thực hiện nhằm mục đích gây quỹ cho các chương trình bảo tồn động vật và được thực hiện bởi nhà phát triển ứng dụng Tinder và Ogilvy Châu Phi. 

Vào tháng 3/ 2018, mặc dù đã có nhiều liệu pháp chữa trị chuyên sâu nhưng tình trạng trình trạng nhiễm trùng chân sau ở bên phải của Sudan vẫn trở nên nghiêm trọng khiến sức khỏe bị suy kiệt nhanh chóng.

Đến ngày 19/03/2018, chú tê giác trắng đực cuối cùng trên Trái Đất đã không thể qua khỏi. Hiện tại, trên thế giới chỉ còn sót lại đúng 2 cá thể tê giác trắng, nhưng tất cả đều là giống cái và đều là F2, F3 của Sudan.

Tê giác trắng

Tê giác trắng đực đã lìa đời vào tháng 3/2018

Tìm hiểu về loài tê giác trắng Bắc Phi

Tê giác trắng Bắc Phi là một phân loài của tê giác trắng (Ceratotherium simum). Đây là những sinh vật khổng lồ ăn cỏ, nặng tới hơn 2 tấn và sống rất thọ. Tê giác trắng phương Bắc được phân biệt với tê giác trắng phương Nam bởi đôi tai có lông và sừng ở phía trước ngắn hơn. Loài tê giác này có số lượng cá thể đông đảo nhất trên thế giới với ước tính khoảng 20.000 cá thể. Thế nhưng do nạn săn bắn trộm để lấy sừng đã vô tình đẩy loài vật này đến bờ vực bị tuyệt chủng. 

Tê giác trắng là 1 trong 5 loài có số lượng ít nhất trong những loài động vật ăn cỏ còn tồn tại trên thế giới. Chúng có nguồn gốc từ Đông Bắc và miền Nam của Châu Phi, sống thành bầy đàn khoảng 7 con/ đàn. Trên mõm của tê giác trắng có 2 sừng được cấu tạo từ các sợi keratin, chứ không phải là từ xương như gạc của hươu hay nai.

Một nghiên cứu vào năm 2010 đã khuyến nghị nâng tê giác trắng Bắc Phi lên cấp độ loài do phân loài này có nhiều sự khác biệt về thể chất và gen di truyền. Nghiên cứu này đã gây ra nhiều tranh cãi, một số nhà bảo tồn cho rằng tốt nhất nên phối giống tê giác trắng Bắc Phi với phân loài tê giác trắng Nam Phi để bảo toàn ít nhất một phần gen của loài này.

Trong quãng thời gian cuối đời, Sudan đã từng được bảo vệ nghiêm ngặt 24/7 bởi một nhóm kiểm lâm tại khu bảo tồn ở Kenya. Các chiến sĩ này đã bất chấp nguy hiểm và tính mạng của mình để bảo vệ Sudan khỏi nạn săn trộm bất hợp pháp. Họ buộc phải cắt đi cặp sừng của Sudan để những tên trộm không còn nhòm ngó tới nó nữa.

Tê giác trắng đực cuối cùng

Tê giác trắng phương Bắc có cặp sừng được cấu tạo bởi các sợi keratin

Tê giác trắng Bắc Phi đứng trên bờ vực bị tuyệt chủng

Nhiều người châu Á quan niệm rằng sừng tê giác là dược liệu quý có khả năng chữa được bách bệnh. Đồng thời, đó còn là biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý và quyền lực. Chính vì thế, có rất nhiều đường dây chuyên săn bắt và giết hại loài động vật hiền hòa này để lấy sừng. 

Tổ chức Save the Rhino công bố, cuối năm 1960 có khoảng 2.360 con tê giác trắng Bắc Phi sinh sống khắp Uganda, Chad, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo. Đến năm 1980, loại động vật này từng suýt biến mất khi có đến 2.345 con tê giác trắng Bắc Phi đã bị cướp đi mạng sống và chỉ còn sót lại 15 cá thể trong tự nhiên sau đỉnh điểm của thảm họa săn trộm tê giác.

Thời kỳ sau đó, số lượng của phân loài tê giác trắng này đã tăng lên gấp đôi cho tới khi nạn săn trộm tê giác lại tiếp tục tái diễn tràn lan vào giữa những năm 2000. Những con tê giác trắng Bắc Phi hoang dã cuối cùng đã biến mất khỏi Vườn Quốc gia Garamba thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo vào khoảng năm 2006. 

Thời gian sau, 6 con tê giác trắng Bắc Phi còn lại của thế giới đã được đưa đến khu bảo tồn và sống trong điều kiện nuôi nhốt hoặc bán nuôi nhốt. Trong đó, 2 con được nuôi ở vườn thú San Diego Safari Park, 1 con ở Dvůr Králové – Sở thú duy nhất thực hiện thành công việc phối giống loài này. Và 3 con khác được sống trong điều kiện bán nuôi nhốt tại Khu bảo tồn Ol Pejeta, Kenya.

Cho đến năm 2009, trên thế giới chỉ còn lại đúng 8 con tê giác trắng Bắc Phi được bảo vệ tại sở thú của nước Cộng hòa Séc. Bốn con trong số này có khả năng sinh sản, vì vậy các nhà bảo tồn đã quyết định di chuyển chúng về Châu Phi – quê hương của những con tê giác trắng với hy vọng loài tê giác quý hiếm này có thể phục hồi được khả năng sinh sản tự nhiên.

Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan như thay đổi thời tiết – khí hậu mà các con tê giác trắng giống cái không thể mang thai được. Sau đó, các cá thể còn lại cũng lần lượt qua đời. Vào ngày 17/10/2014, Suni – một cá thể tê giác trắng đực Bắc Phi đã qua đời tại Khu Bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya. Khi đó chỉ lại một cá thể tê giác trắng đực duy nhất trên thế giới là Sudan còn sống sót. 

Đến ngày 19/03/2020, Sudan – chú tê giác trắng đực cuối cùng đã chết, báo động về sự tuyệt chủng hoàn toàn của loài tê giác trắng đực Bắc Phi khi không còn giống đực để tiếp tục sinh sản và phát triển. Đây chính là hậu quả đáng lên án bắt nguồn từ sự tham lam của con người.

tê giác trắng Bắc Phi

Phân loài tê giác trắng Bắc Phi đứng trên bờ vực bị tuyệt chủng hoàn toàn

Lời cảnh tỉnh về nạn săn trộm động vật quý hiếm

Cái chết của con tê giác trắng đực Sudan chính là lời cảnh tỉnh cao nhất đến toàn nhân loại về vấn nạn săn trộm tàn nhẫn. Đây chính là hậu quả của việc can thiệp thô bạo đến đời sống hoang dã do con người để lại. 

Sừng tê giác hiện nay có giá trị hơn cocain, ma tuý vàng. Tùy vào nơi được bán, sừng tê giác có giá dao động từ 25.000 USD đến 60.000 USD/kg đem đến lợi nhuận cao. Chính vì vậy mà những kẻ săn trộm đã không từ mọi thủ đoạn, dùng đủ mọi cách để giết hại những con tê giác chỉ để lấy đi 2 chiếc sừng của chúng.

Theo đó, nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã đã để lại nhiều hậu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường hệ sinh thái bị đe dọa.

nạn săn bắn tê giác trái phép

Sừng tê giác có giá trị nên những kẻ săn trộm dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt

Về kinh tế

Buôn lậu động vật hoang dã đem lại nguồn thu nhập bất hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân tội phạm nhưng đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của các quốc gia bao gồm chi phí bảo tồn, bảo vệ, ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán động vật quý hiếm tại các quốc gia đó.

Việc bắt và buôn bán, khai thác sạch các loài động vật quý hiếm còn khiến hệ sinh thái trơ trọi, không còn sức sống, và sự quyến rũ. Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch thông qua việc các cơ hội du lịch, phát triển các dịch vụ du lịch bị mất đi do đối tượng du lịch không còn nữa. 

Về sức khỏe

Những hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã còn góp phần đưa mầm bệnh đến với nhân loại, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Sự lây lan của bệnh do động vật gây ra (động vật lây bệnh truyền nhiễm) ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người do hoạt động buôn bán này không được kiểm dịch. Từ đó tiềm ẩn những ảnh hưởng khôn lường tới cộng đồng và kinh tế cả ở cấp quốc gia cũng như cấp quốc tế. Điển hình như chủng Virus Corona gây bệnh trên động vật, và truyền từ động vật sang người.

Theo Văn phòng Trách nhiệm Giải trình – Chính phủ Hoa Kỳ (US Government Accountability Office) có đến gần 75% các căn bệnh mới nổi lây nhiễm cho con người chủ yếu đến từ các loài động vật; nhất là các loài động vật máu nóng như loài thú (động vật có vú) và các loài chim. Mối liên hệ giữa buôn bán động vật hoang dã và dịch bệnh bùng phát của một số bệnh đã nghi ngờ có liên quan đến động vật buôn lậu.

Nạn săn bắn động vật quý hiếm - Tê giác trắng đực cuối cùng

Nạn săn bắt động vật quý hiếm, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên

Về môi trường

Việc buôn bán động vật hoang dã còn đe dọa tới hệ sinh thái địa phương và khiến các loài phải chịu thêm áp lực vào thời điểm chúng đang đối mặt với các mối đe dọa bị đánh bắt quá mức cho phép. Một số loài được đưa từ nơi khác tới để cạnh tranh với các loài bản địa, làm hệ sinh thái thay đổi dẫn tới phá hủy mùa màng. Từ đó gây ra việc mất các nguồn gen và nguồn lợi lâu dài, gia tăng dịch bệnh và xuất hiện nhiều loại côn trùng phá hoại trên diện rộng.

Buôn lậu động vật quý hiếm ảnh hưởng trực tiếp đến sự đa dạng sinh học của tất cả các hệ sinh thái khác nhau. Một số loài động vật có nhu cầu sử dụng cao hơn từ những kẻ buôn lậu và người tiêu thụ sẽ dẫn đến sự suy giảm rõ rệt của những loài này trong môi trường sống do đã bị bắt gần hết. Điều này vô tình làm xáo trộn trong hệ sinh thái tự nhiên của chúng. Theo đó, một số loài có tính biểu tượng và đang có nhiều nguy cơ bị diệt chủng trên thế giới.

Nỗ lực táo bạo hồi sinh loài tê giác trắng phương Bắc

Ngày 22/08/2019, các nhà khoa học đã thành công trong quá trình lấy trứng từ Fatu và Najin (con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng) còn sống trên Trái đất nhằm duy trì nòi giống của loài vật đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng hoàn toàn. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học đã tiến hành lấy trứng của loài tê giác thành công. Theo đó, trứng của hai con tê giác này sẽ được dùng để thụ tinh nhân tạo cùng tinh trùng được lấy từ con đực cuối cùng của loài tê giác trắng phương Bắc đã chết hồi tháng 03/2018.

Số trứng được lấy từ 2 con tê giác trên được gửi sang Ý để bảo quản theo quy trình nghiêm ngặt nhất. Ông Richard Vigne – Giám đốc khu bảo tồn Ol Pejeta tại Kenya – nơi 2 con tê giác trắng cuối cùng đang được chăm sócnhấn mạnh đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong việc nỗ lực tái tạo, hồi sinh loài vật đang có nguy cơ diệt vong cao này. Theo ông Vigne, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu các phương pháp thụ tinh nhân tạo tối ưu nhất để có thể sản sinh ra một đàn tê giác con khoảng 20 cá thể. Nếu thành công, đàn tê giác sẽ tiếp tục được nhân giống với số lượng đủ để có thể thả về môi trường tự nhiên tại khu vực Trung Phi.

Các nhà khoa học đang tiến hành lấy trứng từ cơ thể của Fatu

Tạo phôi thai từ đôi tê giác trắng phương bắc cuối cùng

Các chuyên gia bảo tồn đã lên kế hoạch cứu tê giác trắng phương Bắc khỏi nguy cơ tuyệt chủng bằng cách thu thập trứng từ hai con tê giác cái, thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng đông lạnh từ những con đực đã chết để tạo ra phôi thai mới. Chương trình thành công bước đầu vào tháng 8/2019 với hai phôi thai tê giác trắng phương Bắc và phôi thai thứ ba được tạo ra vào tháng 12/2019. Sau đó, nhóm chuyên gia quốc tế của Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW), công viên safari Dvůr Králové và Cơ quan Động vật hoang dã Kenya, kết hợp với khu bảo tồn Ol Pejeta, thông báo họ đã tạo thêm hai phôi thai nữa, nâng tổng số 5 phôi thai tê giác trắng phương bắc thuần chủng.

Bước tiếp theo là tìm kiếm tê giác trắng phương nam phù hợp để mang thai hộ và sinh con. Đây là một bước tiến lớn trong kế hoạch cứu tê giác khỏi bờ vực diệt vong. Ba phôi thai đầu tiên là kết quả từ quá trình thu thập tế bào trứng chưa trưởng thành từ Najin và Fatu (hai cá thể tê giác trắng Phương Bắc cái cuối cùng) vào năm 2019, và thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng đông lạnh từ hai con tê giác đực cuối cùng là Suni (chết năm 2014) và Sudan (3/2018). Kế hoạch thu thập thêm tế bào trứng bị trì hoãn do dịch bệnh và đến giữa tháng 12/2020, các nhà nghiên cứu tiến hành lấy thêm tế bào trứng.

Mẫu vật lập tức được vận chuyển từ Kenya đến Phòng thí nghiệm Avantea ở Italy, thụ tinh bằng tinh trùng của Suni và được bảo quản đông lạnh. Hiện tại 5 phôi thai đang được lưu trữ bằng nitơ lỏng, sẵn sàng để thụ tinh qua ống nghiệm. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ chuẩn bị để cấy phôi thai vào tê giác trắng phương Nam cái. OuWan – tê giác trắng phương Nam đực được chuyển từ khu bảo tồn động vật hoang dã Lewa ở miền bắc Kenya tới khu bảo tồn Ol Pejeta Conservancy vào tháng 11/2020.

Ouwan là vật chỉ dẫn đáng tin cậy về chu kỳ sinh sản của những con tê giác trắng phương Nam cái ở Ol Pejeta, nó đã được triệt sản để đảm bảo bầy tê giác cái không mang thai với nó được. Sau khi xác nhận kết quả triệt sản vào tháng 3 năm nay, các nhân viên ở khu bảo tồn đang theo dõi Ouwan để xem có con tê giác cái nào sẵn sàng thụ tinh nhân tạo hay không. Tuy nhiên, kế hoạch này được xem là một thách thức lớn đối với ngành y học, và chưa  có trường hợp nào thành công trong việc thụ tinh ống nghiệm một phôi thai tê giác. Nếu thành công, đây sẽ là một bước tiến mang tính bước ngoặt trong ngành y – sinh học thế giới. 

Nhà nghiên cứu đã tạo thành công phôi thai từ hai con tê giác phương Bắc cuối cùng

Sudan qua đời đã khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ, đó thực sự là một tin rất buồn. Cái chết của chú tê giác trắng đực cuối cùng Sudan đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nạn săn bắt động vật trái phép. Theo đó, mỗi người chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như Sudan.

Bài viết liên quan