Lá bàng khô – “đếm lá tính tiền” và công dụng của lá bàng khô

9 Tháng Ba, 2022 0 Tuong Nguyen

Tưởng chừng như những chiếc lá bàng khô chỉ là rác bỏ đi. Nhưng không, hiện nay trên nhiều sàn thương mại điện tử, lá bàng khô được rao bán online với giá 1000 đồng/lá. Vậy bạn có thắc mắc những lá bàng được xếp vào hàng “rác” bỏ đi có công dụng gì mà lại được nhiều người chọn mua như vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết ngay trong phần chia sẻ sau đây nhé.

Thực trạng lá bàng khô – “đếm lá tính tiền”

Lá bàng sẽ rụng vào cuối thu đầu đông

Lá bàng sẽ rụng vào cuối thu đầu đông

Lá bàng khô rất dễ kiếm, đặc biệt vào cuối thu đầu đông, cây bàng bắt đầu thay lá. Dưới gốc bàng đầy những lá bàng khô. Tại những con đường, khu vực có nhiều cây bàng thì việc dọn dẹp vệ sinh rất khó khăn vì số lượng lá bàng khô rất lớn. Những tưởng chúng chỉ là rác, cần thu gom để đốt đi. Nhưng không, trong thời gian qua lá bàng khô trở thành một trong những mặt hàng “hot” trên các sàn thương mại điện tử. 

Trên trang Shopee, lá bàng khô là một mặt hàng rất đang được ưa chuộng. Mức giá đa dạng, có những đơn vị “đếm lá tính tiền” với giá bán khoảng từ 500 – 1000 đồng/lá. Cũng có cửa hàng bán theo g, kg hoặc theo các combo 10, 20, 50,… lá.

Lá bàng khô rao bán trên Shopee

Lá bàng khô rao bán trên Shopee

Không chỉ trên Shopee, hầu như tất cả các sàn thương mại điện tử hiện nay tại nước ta đều có bán lá bàng như Lazada, Tiki, Sendo,…

Đặc biệt hơn, những chiếc lá bàng khô không chỉ là “mặt hàng thương mại” trong nước mà chúng dần “len lỏi” lên các trang mua sắm hàng đầu thế giới như Amazon. Giá trị của chúng không chỉ tính bằng “đồng” mà còn được đếm bằng “đô la”. Hiện trên Amazon đang rao bán lá bàng khô có giá khoảng 7 USD cho 50g. 

Không chỉ bán lá bàng khô, các cửa hàng còn bán cả nước cốt lá bàng khô để thuận tiện cho khách hàng sử dụng.

Lá bàng bán trên Amazon

Thậm chí là trên cả Amazon

Khái lược về lá bàng

Cây bàng còn được biết đến với tên gọi là Quang Lang, thuộc họ bàng Combretaceae, chúng có tên khoa học là Terminalia catappa L. Chúng có nhiều tên gọi tiếng Anh khác nhau là country almond, Indian almond, Malabar almond, sea ​​almond, Tropical almond, beach almond và false kamani.

Bàng là loài cây thân gỗ, có nguồn gốc từ vùng Nam Á, phát triển tốt ở vùng nhiệt đới. Nó được tìm thấy trong tự nhiên ở nhiều quốc gia như phía bắc Australia, Sri Lanka, Pakistan, Malaysia, Thái Lan, Lào,… Ở Việt Nam, cây bàng phân bố khắp cả nước, tại nhiều tuyến phố đặc biệt là tại các trường học, hầu như trường học nào cũng sẽ có cây bàng. Nó cùng với cây phượng trở thành biểu tượng của trường học. 

Vào mùa khô, lá bàng chuyển dần sang màu vàng, hóa đỏ ánh hồng hay nâu vàng, do các sắc tố trong lá như violaxanthin, lutein hay zeaxanthin. Sau đó chúng sẽ rụng hết, chỉ trơ trọi cành khô chuẩn bị cho những chồi non mới khi xuân sang.

Cây bàng rất phổ biến ở nước ta

Cây bàng rất phổ biến ở nước ta

Lá bàng khô dùng để làm gì?

Từ xưa, lá bàng khô thường chỉ được thu dọn rồi đốt đi cho đỡ “rác nhà”, “rác sân”. Vì khi vào mùa lá bàng rụng, chúng sẽ rụng rất nhanh, nhiều. Vậy vì đâu mà một thứ từng được coi là “rác” lại trở thành một “mặt hàng hot” như vậy?

Theo nhiều nghiên cứu, trong lá bàng chứa nhiều chất có tác dụng quan trọng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà cụ thể phòng và điều trị bệnh cho thủy sản.

Cụ thể, trong lá bàng có Flavonoid. Đây là những hợp chất C15 có hai nhân phenol gắn với nhau thông qua một đơn vị C3. Trong hợp chất Flavonoid gồm có isovitexin, isoorientin, vitexin, rutin và triterpenoiods. Theo nghiên cứu, các chất này có phổ hoạt tính rất rộng được sử dụng phổ biến trong dược phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Hoạt tính chính trong Flavonoid đó là chống oxy hóa, tích tụ dưới dạng phytoalexin khi mà cây bị vi khuẩn tấn công. Flavonoid còn có nhiều tác dụng khác như là khả năng kháng viêm, kháng nấm, ức chế enzyme, hoạt tính oestrogen, kháng khối u,…

Lá bàng khô rụng đầy sân thường được coi là “rác”

Lá bàng khô rụng đầy sân thường được coi là “rác”

Trong lá bàng còn có Tanin. Đây là một hợp chất polyphenol có trong thực vật. Tanin bao gồm punicalin, punicalagin, geranin, granatin B, tercatain, tergallagin, terflavin A và B, axit chebulagic và corilagin. Đó là những hợp chất được cấu tạo dựa trên acid galic và acid tannic, chúng tan tốt trong nước và phản ứng với protein. Tanin có tác dụng tạo tủa với protein từ đó đóng góp vào việc chữa tiêu chảy, chống chảy máu. Do tanin có khả năng kết tủa với kim loại nặng và alkaloid cho nên chúng thường dùng để điều trị ngộ độc kim loại và alkaloid. Do đó mà acid tanic rất có lợi cho môi trường nước. 

Tại nhiều nước trên thế giới, lá bàng khô được coi là một loại thảo dược trong điều trị các bệnh về nấm, ký sinh trùng, kháng khuẩn. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có nghiên cứu chính thức về tác dụng của lá bàng khô trong quá string phòng và chữa bệnh cho động vật thủy sản.

Được sử dụng để nuôi cá cảnh

Được sử dụng để nuôi cá cảnh

Theo nghiên cứu của Chan Sue N (2003) lá bàng khô có tác dụng trong việc kích thích của cá Betta (xiêm chọi). Năm 2004, kết quả nghiên cứu của Chanagun Chitmanat cho biết, nồng độ thích hợp của lá bàng khô để điều trị ký sinh trùng (Trichodina sp.) trên cá rô phi là 800 ppm.

Vào năm 2005, Chanagun Chitmanat (2005), tiếp tục nghiên cứu và cho thấy sự phát triển của chủng vi khuẩn Aeromonas hydrophila đã bị ức chế bởi chiết xuất của lá bàng khô ở nồng độ 0,5 mg/ml, làm giảm nhiễm nấm trong trứng của cá rô phi. Năm 2006, nghiên cứu của Chan Sue N và Tangtrongpiros J cho thấy chiết suất lá bàng khô có khả năng làm giảm tỷ lệ sán lá đơn chủ ký sinh trên cá diếc, hỗ trợ tái sinh đuôi, kích thích sự tăng trưởng ở cá chép.

Năm 2009, một nghiên cứu tại Brazil cho thấy chiết xuất từ dung dịch lá bàng khô có hiệu quả trong việc kiểm soát sán lá đơn chủ và P. pillulareem khi ở nồng độ 120 ml/L.

Giúp ngăn ngừa nấm, vi khuẩn, giúp tôm cá khỏe mạnh

Giúp ngăn ngừa nấm, vi khuẩn, giúp tôm cá khỏe mạnh

Tại nước ta, theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi cá cảnh, lá bàng khô được sử dụng để tạo màu cho nước nuôi cá, ngăn ngừa một số vi khuẩn cũng như các loại nấm trên cá chọi, cá rồng cùng nhiều loài cá ưa nước mềm như cá thìa lìa, cá dĩa,… Chiết xuất từ lá bàng có chứa Flavonoid và Tanin sẽ tái lập một môi trường nước gần giống với nước tự nhiên cho các loài cá. Cá khi sinh sống trong môi trường nước có chiết xuất lá bàng sẽ khỏe mạnh, ít bị rụng vây, không bị nấm,… Không những thế, nhiều người cho rằng, những chiếc lá bàng trong nước sẽ hỗ trợ cá đẻ trứng là nơi “cư trú” của trứng cá. Lá bàng khô kích thích cá sinh sản cũng như tăng số lượng trứng thụ tinh.

Một số lưu ý khi sử dụng lá bàng khô cho cá cảnh

Để có thể đảm bảo an toàn cho những chú cá cảnh thì bạn cần lưu ý một số điểm khi sử dụng như sau:

Chỉ sử dụng lá lành lặn, đã thực sự khô, không sâu bệnh

Chỉ sử dụng lá lành lặn, đã thực sự khô, không sâu bệnh

  • Lá bàng khô sử dụng để nuôi cá cảnh bắt buộc phải là lá bàng khô tự rụng xuống. Không nên hái lá tươi rồi đem đi phơi, hiệu quả sẽ không cao. Sau khi lá rụng có thể tiếp tục đem phơi cho đến khi khô, bóp nát thành từng mảnh là đạt yêu cầu.
  • Không nhặt những lá nát, có dấu hiệu bị bệnh.
  • Trước khi sử dụng cần rửa sạch lá bàng. Sau đó đem phơi khô một lần nữa rồi mới dùng. Tránh việc dùng luôn có thể mang bụi đất, vi khuẩn vào trong bể cá.
  • Cần phải bỏ phần gân giữa của lá. Mặc dù đã phơi khô nhưng trong phần gân lá này vẫn tồn tại một lượng nhỏ nhựa. Khi bạn ngâm lá trong bể thì nhựa này sẽ chảy ra, tạo lớp váng trên nước gây ô nhiễm có thể khiến cá bị bệnh, thậm chí là chết. Do đó mà chúng ta cần cắt bỏ phần gân lá, chỉ lấy lá hai bên.
  • Tùy vào diện tích của hồ cá mà chúng ta sẽ sử dụng lượng lá bàng khô sao cho phù hợp nhất. Nếu như lượng lá bàng quá lớn khiến nước quá đặc sẽ ảnh hưởng đến da, vây của cá,.. Ví dụ như với một bể cá có dung tích 5 lít, nuôi xiêm chọi hoặc cá bảy màu thì bạn có thể dùng ¼ lá bàng là được. Một lá bàng 15cm, phù hợp với bể cá betta 20 lít. Lá bàng 10cm, phù hợp bể 4 – 8 lít cho cá rồng.
  • Khi sử dụng lá bàng khô bạn sẽ không cần phải thường xuyên thay nước bể cá vì lá bàng sẽ giúp làm mất mùi hôi của nước và hồ cá.

Trên đây là một số thông tin khái lược về lá bàng khô. Lưu ý, nếu lần đầu sử dụng lá bàng khô cho bể cá, bạn cần nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước để đảm bảo an toàn cho bể cá của mình. Ngoài việc dùng cho nuôi cá cảnh thì lá bàng khô cũng có thể được sử dụng để trang trí nhà cửa,…

Bài viết liên quan