Tổng hợp những loại lá xông giải cảm phổ biến nhất

9 Tháng Ba, 2022 0 Tuong Nguyen

Sử dụng các loại lá xông để xông hơi là một trong những phương pháp dân gian phổ biến nhất được dùng để giải cảm. Vậy bạn có biết những lá cây nào có thể xông hơi cũng như cách xông hơi như thế nào để đảm bảo hiệu quả hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những vấn đề này qua phần chia sẻ ngay sau đây nhé.

Xông hơi là gì? Dùng lá xông để xông hơi có tác dụng gì?

Nồi lá xông là phương pháp giải cảm dân gian rất quen thuộc

Nồi lá xông là phương pháp giải cảm dân gian rất quen thuộc

Khi thời tiết giao mùa, những người có sức đề kháng yếu thường dễ bị cảm lạnh với những biểu hiện như đau đầu, rét trong người, nóng ngoài da, đau mỏi mình mẩy,… Thì xông hơi là có thể giúp bạn nhanh chóng khỏe trở lại. Vậy xông hơi là gì?

Xông hơi là một phương pháp dân gian được sử dụng rất phổ biến để chữa các bệnh cảm cúm thông thường. Xông hơi dựa trên nhiệt độ cao của hơi nước để để cơ thể tiến hành quá trình bài tiết mồ hôi, từ đó điều tiết thân nhiệt cơ thể giúp sức khỏe nhanh hồi phục.

Mặc dù có rất nhiều loại thuốc trị cảm cúm rất tiện dụng, giúp khỏi bệnh nhanh chóng nhưng nhiều người vẫn lựa chọn phương pháp xông lá khi bị cảm. Theo khuyến cáo về y tế, không nên lạm dụng các loại kháng sinh để trị cảm cúm do nhiễm virus vì chúng sẽ dẫn tới nhờn thuốc, thậm chí là không có tác dụng.

Hơi nóng từ lá xông giúp người bệnh toát mồ hôi

Hơi nóng từ lá xông giúp người bệnh toát mồ hôi

Theo quan niệm chữa bệnh dân gian, khi bị cảm dùng các loại lá xông chính là cách điều trị vô cùng hiệu quả. Bình thường, nhiệt độ của cơ thể con người ổn định nhờ vào sự lưu thông ở tuyến da. Tuy nhiên, khi bị cảm, khí lạnh sẽ thâm nhập vào cơ thể thông qua lỗ chân lông,làm bít lại gây tắc nghẽn, khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau họng, rát họng, nghẹt mũi, đau nhức toàn thân,…

Theo nguyên tắc vật lý, chúng ta cần đẩy được khí lạnh, các chất độc ra ngoài cơ thể. Do đó, xông hơi là giải pháp tối ưu nhất. Nếu sử dụng lá xông giải cảm, hơi nước nóng từ nước xông sẽ làm cho lỗ chân lông mở ra, giãn mạch ngoại biên, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động từ đó hỗ trợ đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài theo mồ hôi.

Nồi lá xông giải cảm gồm rất nhiều loại thảo dược khác nhau

Nồi lá xông giải cảm gồm rất nhiều loại thảo dược khác nhau

Không những thế, tinh dầu có trong các loại lá xông theo hơi nước đi qua niêm mạc mắt, mũi, tai, da,… giúp làm thông mũi, tai và xoang, làm giảm đau, chống viêm, bớt chóng mặt,… Sau khi xông hơi, người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ người, thở dễ dàng hơn, khoan khoái hơn.

Khi nào nên dùng lá xông để xông hơi? Ai không nên xông hơi?

Không phải cứ bị cảm cúm là đều có thể xông hơi. Phương pháp dùng lá xông để xông hơi giải cảm này chỉ được áp dụng cho một số trường hợp:

  • Cảm lạnh, sốt do thay đổi thời tiết.
  • Viêm mũi họng do vi khuẩn, virus.
Xông lá phù hợp cho những người bị cảm do thay đổi thời tiết

Xông lá phù hợp cho những người bị cảm do thay đổi thời tiết

Có một số trường hợp tuyệt đối không nên xông hơi ngay cả khi bị cảm như:

  • Không xông lá cho những người bệnh đang sốt cao, bị ra nhiều mồ hôi hay bị tiêu chảy gây mất nước. Những người bị mất máu cũng không nên xông. Việc xông hơi sẽ khiến lỗ chân lông nở ra, mồ hôi thoát ra khiến cho tình trạng mất nước, mất máu tồi tệ hơn.
  • Người bị cao huyết áp cao hay huyết áp không ổn định, người mắc cách bệnh lý về tim mạch, bị giảm cảm giác nóng lạnh, người già yếu, cơ thể suy nhược, mới ốm dậy cũng không nên xông.
  • Phụ nữ đang mang thai hay đang trong chu kỳ kinh nguyệt không nên xông.
  • Không xông hơi cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi.
  • Không xông hơi cho những người có bệnh ngoài da nặng. Mồ hôi toát ra có thể khiến bệnh ngoài ra lan khắp cơ thể.
  • Khi người bệnh đang mệt lả, buồn nôn, bị cảm do nắng,… cũng không nên xông hơi.

Các loại lá xông được dùng để xông hơi giải cảm phổ biến

Có rất nhiều các loại lá xông được dùng để xông hơi giải cảm. Đây đều là những thảo dược, có tác dụng tốt với cơ thể, dễ tìm thấy ngay trong vườn nhà. Dưới đây là tổng hợp những loại lá xông được dùng để xông hơi phổ biến nhất hiện nay.

Lá bưởi

Lá bưởi là loại lá xông phổ biến nhất

Lá bưởi là loại lá xông phổ biến nhất

Lá bưởi là một trong những lá xông không thể thiếu trong bất cứ nồi xông giải cảm nào. Theo Đông y, lá bưởi có vị đắng the, có mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán khí, trừ hàn, trừ đờm, thông kinh lạc, tiêu trừ hoạt huyết, tiêu sưng. Lá bưởi già còn được dùng để chữa cảm sốt, ho, nhức đầu, hắt hơi liên tục, chân sưng đau, cảm giác tê bì chân tay.

Theo Tây y, trong lá bưởi có chứa alpha-pinen, limonene alpha-terpineol,… Đây đều là những tinh dầu của lá bưởi, có tác dụng hạ nhiệt, giảm ho, giảm đau, sát trùng vùng mũi họng.

Cây hương nhu

Cây hương nhu có hai loại là tím (tía) và trắng, cả hai đều có thể dùng để xông hơi. Trong lá và cây hương nhu có chứa tinh dầu eugenol và methyl eugenol có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, hạ nhiệt.

Trong Đông ý, hương nhu có vị cay, tính hơi ôn, mùi thơm, có tác dụng thúc đẩy ra mồ hôi, giảm sốt, lợi thấp. Nó phù hợp để chữa cảm lạnh trong mùa hè. Xông với hương nhu giúp tinh thần bạn thoải mái, nhẹ nhàng.

Hương nhu tía và trắng

Hương nhu tía và trắng

Cây sả

Khi xông hơi bằng sả, bạn có thể lấy cả lá lẫn củ sả. Trong Đông y, sả có vị the, cay, có mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, chống viêm, sát khuẩn, hạ khí, tiêu đờm, thông tiểu, hỗ trợ chữa đái rắt, chân phù nề, chữa ho do cảm cúm,…

Theo nghiên cứu, trong cây sả có tinh dầu citral, geraniol,… có tác dụng chống ho, hạ nhiệt, kháng khuẩn, kháng nấm,…

Gừng

Bạn cũng có thể sử dụng của gừng hoặc lá, thân cây gừng để xông đều được. Trong Đông y, gừng tươi được gọi là sinh khương. Nó có vị cay, nóng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng chữa phong hàn, trị cảm mạo, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, làm ấm dạ dày, khí huyết ngưng trệ, chân tay lạnh,…

Hãy thả một vài lát gừng tươi vào nồi nước xông

Hãy thả một vài lát gừng tươi vào nồi nước xông

Cây kinh giới

Kinh giới có vị cay, tính ấm. Trong tinh dầu kinh giới có chứa elsholtzia ketone có tác dụng phát tán phong hàn, sốt không đổ mồ hôi, cảm cúm mùa hè, nhức đầu,… Đây còn là một loại rau thơm/rau sống rất phổ biến nên bạn rất dễ kiếm để xông hơi.

Lá và cành cây hoắc hương

Cây hoắc hương cũng là một loại lá xông rất quen thuộc trong nồi xông hơi. Loại cây này có vị ngọt đắng, có mùi thơm, hơi cay, tính ôn. Trong hoắc hương có chứa tinh dầu sesquiterpen, và có mùi hương đặc trưng patchouli alcol và norpatchoulenol,… cho khả năng ức chế sự phát triển của trực khuẩn lỵ, tụ cầu khuẩn vàng, giảm tình trạng viêm cấp.

Cây hoắc hương

Cây hoắc hương

Cây bạc hà

Trong Đông y, bạc hà có vị cay, tính mát, có mùi thơm có tác dụng chữa trị cảm mạo, tán phong nhiệt, giảm sốt, chữa nhức đầu, trị hắt hơi sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi,…

Trong bạc hà có chứa tinh dầu menthol, α – β pinen,… có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, làm tiêu đờm.

Lá ngũ trảo

Cây ngũ trảo còn có tên gọi khác là hoàng kinh, cây chân chim, ngũ trảo phong, mẫu kinh hay ô liên mẫu. Lá của cây ngũ trảo có vị cay the, đắng nhẹ, có tính bình, có mùi thơm. Trong lá của cây ngũ trảo có tinh dầu có tác dụng giảm đau, chống viêm, kháng khuẩn, giúp ra mồ hôi.

Lá ngũ trảo

Lá ngũ trảo

Lá tre

Lá tre cũng là một loại lá xông rất phổ biến. Lá tre trong Đông y có vị đắng, tính mát, có tác dụng hạ sốt,  giải nhiệt, giảm nôn, tiêu đờm, thanh âm, cầm máu, dùng trong chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt cao,…

Ngoài những loại lá xông kể trên, trong các nồi lá xông còn có lá chanh, lá tía tô, lá ổi, ngải cứu, bồ kết, cỏ mần trẩu,…

Cách nấu lá xông giải cảm

Nguyên liệu: chuẩn bị các loại lá xông như lá bưởi, lá tre, lá sả, ngải cứu, gừng, hương nhu, bạc hà, kinh giới, tía tô,… mỗi thứ một nắm to.

Cách nấu lá xông: rửa sạch tất cả các lá xông sau đó cho vào nồi đổ xâm xấp nước. Bắc lên bếp, đun nhỏ lửa, khi sôi khoảng 10-15 phút thì bắc ra.

Có thể xông cả người hoặc xông mỗi phần mặt

Có thể xông cả người hoặc xông mỗi phần mặt

Cách xông: Chọn nơi kín gió, cởi quần áo, trùm chăn kín đầu và nồi lá xông. Sau đó từ từ mở nồi nước xông để cơ thể dần thích nghi. Không nên mở nồi quá nhanh khiến cơ thể dễ bị sốc, không kịp thích nghi với hơi nóng. Xông đến khi nào mồ hôi ướt đẫm người, chảy ròng ròng thì thôi. Sau đó chúng ta cũng mở chăn từ từ cho cơ thể thích nghi với khí lạnh. Sau cùng lấy khăn lau khô mồ hôi hoặc là lấy nước tắm nhanh qua rồi lau khô,  nên tắm nước ấm, sau đó mặc quần áo rồi đắp chăn nằm nghỉ. 

Trên đây là một số thông tin về lá xông cũng như cách xông hơi. Hy vọng những chia sẻ trên đây có thể giúp bạn tự chuẩn bị được một nồi lá xông đầy đủ.

Bài viết liên quan