Ngày quốc khánh (Việt Nam): Ý nghĩa lịch sử & dấu mốc quan trọng

24 Tháng Năm, 2021 0 thanh12

Ngày Quốc khánh Việt Nam 02/09 là ngày lễ kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Ngày Quốc khánh 2/9 từ lâu đã trở thành mốc son hào hùng của cả dân tộc Việt Nam trong suốt chặng đường hơn 75 năm qua. Chúng ta hãy cùng ôn lại ý nghĩa lịch sử và các dấu mốc quan trọng của ngày lễ này nhé!

Toàn văn Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập

Toàn văn bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”

>>Trích Theo: Wikipedia

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ý nghĩa lịch sử ngày Quốc khánh Việt Nam

Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử, trở thành mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam. Tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hơn 50 vạn đồng bào đủ các tầng lớp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Chấm dứt chế độ thực dân phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc. 

Bản Tuyên ngôn độc lập, chứa đựng những nội dung to lớn, khẳng định ý chí sắt đá, không gì lay chuyển được của dân tộc Việt Nam với ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Ngày 2/9/1945 như một “chứng nhân lịch sử”, dù thời gian đã trôi qua nhưng những chiến tích vẻ vang ấy của dân vẫn còn mãi với thời gian. 

Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử quan trọng trong suốt hơn 75 năm qua. Bản Tuyên ngôn Ðộc lập còn là văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của đất nước. 

Với những lập luận chặt chẽ, xúc tích, giọng văn sắc bén, hùng hồn, Bản Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945 đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền tự do – độc lập của đất nước Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới cho dân tộc ta.

Google Doodle chào mừng ngày Quốc khánh Việt Nam 

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Việt Nam, Google Doodle đa thay đổi giao diện với hình ảnh chủ đạo là cảnh chèo thuyền, mang đầy tính biểu tượng của truyền thống Việt Nam. Google Doodle cho biết, trong ảnh người đàn ông chèo thuyền đang đội một chiếc Nón Lá mang biểu tượng đặc trưng của Việt Nam. Chiếc nón lá có nguồn gốc từ hàng nghìn năm trước và trở thành biểu tượng văn hóa của đất nước. Đối diện với người lái đò là một phụ nữ mặc Áo Dài – trang phục truyền thống thanh lịch của Việt Nam. Đồng thời cũng là hiện thân của niềm tự hào người Việt Nam.

Ngoài 2 nhân vật kể trên, bức tranh tổng thể còn có hoa sen – loài hoa đặc trưng có ở ao, hồ khắp nơi rại Việt Nam. Google nhấn mạnh, hoa sen là hoa quốc hoa của Việt Nam. Hoa sen ẩn mình trong nước vào ban đêm, vươn lên trên mặt nước vào buổi sáng. Khi đón ánh mặt trời ló rạng, hoa sen nở bung, không bị vẩn đục bởi bùn đất, cho dù ở trong  thời điểm hỗn loạn nhất. Bởi vậy, nhiều người xem hoa sen là loài biểu tượng cho sức mạnh và sự lạc quan.

Hoa sen – loài hoa rực rỡ, không chỉ làm sáng bừng cảnh sắc của dân tộc Việt Nam. Sâu xa hơn đó là bản sắc văn hóa của đất nước, tạo cảm hứng cho các công trình kiến trúc, cho tới ẩm thực độc đáo. Hình dáng đặc biệt của hoa sen được thấy trong các thiết kế đình, chùa, đền  từ thời Lý và Trần, như chùa Một Cột nổi tiếng ở Hà Nội. Ngoài giá trị biểu tượng lâu bền, hoa sen còn được dùng để làm trà sen – một phần thiết yếu trong các ngày lễ kỷ niệm của người Việt.

Ngày quốc khánh Việt Nam 2020

Ngày 2/9/2020, Google Doodle thay đổi giao diện chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Việt Nam

Các dấu mốc quan trọng góp phần làm nên lịch sử ngày Quốc khánh 2/9

  1. Ngày 13 – 15/8/1945, hội nghị đại biểu toàn quốc của Ðảng họp ở Tân Trào đã kết luận: Điều kiện khởi nghĩa ở Ðông Dương đã chín muồi, Việt Nam cần phải kịp thời hành động, không được bỏ lỡ cơ hội; khẩn trương đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể là thành phố hay ở thôn quê, Thành lập ủy ban nhân dân ở những nơi làm chủ, tất cả vì một mục tiêu Việt Nam hoàn toàn độc lập.
  2. Ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Ðại hội Quốc dân ở Tân Trào quyết định: Tán thành lệnh Tổng khởi nghĩa của Ðảng, thành lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Quy định Quốc kỳ, Quốc ca và đặt tên nước là “Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.
  3. Chiều ngày 16/8/1945, một đơn vị chủ lực của Việt Nam giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên mở đầu cho cuộc Cách mạng Tháng Tám.
  4. Vào ngày 17/8/1945, tại Hà Nội, Tổng hội Viên của chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát thành phố thu hút hàng vạn người tham gia để ủng hộ Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Trong bầu không khí sôi sục, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đã chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh và biến cuộc mít tinh đó thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh.
  5. Ngày 18/8/1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam là những tỉnh giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước.
Ngày quốc khánh Việt Nam

2/9/1945 – 2/9/2020 – Kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9

  1. Ngày 19/8/1945, ở nội và ngoại thành Hà Nội, hàng chục vạn quần chúng cách mạng với các vũ khí thô sơ đã tiến về Quảng trường Nhà hát thành phố để dự cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh này nhanh chóng phát triển thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang. Người dân tiến về các ngả đường, chiếm lĩnh các cơ quan của chính quyền bù nhìn như Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở cảnh sát, Trại bảo an binh và nhiều cơ sở khác… Cả Hà Nội như rung chuyển trong những tiếng hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Chính quyền nhân dân cách mạng”, “Cách mạng thành công muôn năm”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”… Khi đó, chính quyền cách mạng đã hoàn toàn về tay nhân dân.
  2. Vào sáng ngày 20/8/1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ ra mắt tại Vườn hoa Con Cóc (Vườn hoa Diên Hồng) trong niềm hân hoan, vui mừng của người dân Hà Nội. Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện tốt để Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về Hà Nội chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước để đi đến thắng lợi hoàn toàn.
  3. Ngày 20 – 21/8/1945, các cuộc khởi nghĩa ở nhiều địa phương khác như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Nam Ðịnh, Nghệ An, Ninh Thuận… tiếp tục giành thắng lợi.
  4. Ngày 25/8/1945, lực lượng cách mạng đã hoàn toàn làm chủ Sài Gòn. Khởi nghĩa kết thúc nhanh chóng bằng cuộc biểu tình của hàng triệu quần chúng chào mừng Lễ ra mắt Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm chủ tịch.
Quốc khánh Việt Nam

Ngày Quốc khánh Việt Nam là dịp để các thế hệ sau cùng nhau nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc

  1. Chiều ngày 30/8/1945, tại lầu Ngọ Môn hàng vạn nhân dân cố đô Huế đã chứng kiến Bảo Ðại – vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đọc lời thoái vị, trao ấn và kiếm cho cách mạng. Ðại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đứng lên tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ ở Việt Nam.
  2. Đến ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn Ðộc lập”, tuyên bố khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước quốc dân và thế giới. Bản tuyên ngôn như một lời khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng, của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày 2/9/1946: Bộ tem bưu chính cách mạng Việt Nam đầu tiên được phát hành. Bộ tem được thiết kế bởi hoạ sĩ Nguyễn Sáng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên tem với tiêu đề “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đây là bộ tem đầu tiên của Việt Nam tự thiết kế, in ấn và phát hành, đánh dấu mốc quan trọng trong việc phát triển độc lập. 

Ngày 2/9/1973: Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng, sau khi chính thức được khánh thành vào ngày 29/8/1975. Hàng năm, vào dịp này có hàng triệu lượt người vào Lăng thăm nơi làm việc và nơi ở của Người bày tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Ngày Quốc Khánh

Quốc khánh 2/9 là ngày lễ lớn của toàn dân tộc Việt Nam

Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về ý nghĩa lịch sử, biết về các dấu mốc quan trọng của ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9. Ngày Quốc khánh hàng năm đều diễn ra nhiều hoạt động, kỷ niệm ý nghĩa bởi đây là ngày lễ lớn và quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.

>> Xem thêm: Mùa lễ hội cuối năm 2020: Những lễ hội & món ăn đặc sắc

Bài viết liên quan