7 loài có thời gian mang thai lâu nhất?

31 Tháng Tám, 2022 0 Tuong Nguyen

Thế giới tự nhiên luôn tồn tại những điều bí ẩn diệu kỳ, có loài vật chỉ mang thai trong vòng 12 ngày nhưng cũng có loài 1 lần mang thai kéo dài đến vài năm. Bạn có biết loài nào mang thai lâu nhất không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết được đó là loài vật nào nhé!

1. Kỳ Nhông núi Salamandra atra (24-44 tháng)

Kỳ nhông núi có tên khoa học là Salamandra atra được tìm thấy ở miền Trung, Đông và Dinara Alps, ở độ cao trên 700 mét. Chúng có màu da đen bóng, là loài động vật thuộc nhóm máu lạnh, có đặc tính là thích tắm nắng. Đuôi của chúng khá dài, có nhiệm vụ là giữ thăng bằng mỗi khi di chuyển trên mặt đất hay leo trèo và tự vệ.

Loài nào mang thai lâu nhất

Kỳ nhông núi là loài mang thai lâu nhất 24-44 tháng

Kỳ nhông núi Salamandra atra sống hoàn toàn trên mặt đất chứ không giống với những loài kỳ nhông khác có ấu trùng sống trong nước. Thời gian mang thai của chúng kéo dài từ 2 đến 4 năm tuỳ thuộc vào độ cao nơi mà chúng sinh sống.

2. Voi đồng cỏ Châu Phi (22 tháng)

Voi đồng cỏ châu Phi hay voi bụi rậm châu Phi, voi xavan được mệnh danh là loại vật lớn nhất trên cạn hiện nay. Những con voi đực to lớn trọng lượng có thể đạt 7,5 tấn và cao 4m. Và những con voi cái nhỏ nhất nặng 3 tấn và cao 2,7m. Với thân hình to lớn của mình Voi đồng cỏ châu Phi không bị đe dọa bởi bất cứ loài mãnh thú nào khi đi theo đàn.

Voi đồng cỏ châu Phi

Voi đồng cỏ châu Phi

Vào mùa sinh sản voi cái sẽ phát ra tín hiệu đến các con voi đực. Và ngay lập tức những con voi đực sẽ tập trung lại và bắt đầu đánh nhau. Con voi chiến thắng sẽ được voi giao phối cùng con cái, sau khi giao phối voi đực và voi cái tách ra mỗi con một ngả. Khi mang thai, voi cái thường rời đàn đẻ và nuôi con một thời gian trước khi trở lại đàn. Voi Châu Phi phải trải qua quá trình mang thai lên đến 22 tháng. Đây là thời gian mang thai lâu nhất trong số các loài động vật có vú. Khi mới được sinh ra voi con chỉ cao 1m và nặng 100 kg. Chúng bú sữa mẹ trong suốt 5 năm đầu đời.

3. Cá nhà táng (19 tháng)

Cá nhà táng là một loài động vật có vú sống trong môi trường nước ở biển thuộc bộ phận cá voi. Nó chính là loại cá voi có răng to nhất trên thế giới, với những con cá đực có thể dài từ 13-16 m, và nặng từ 35-50 tấn. Cá nhà táng có hình dạng cơ thể đặc biệt và rất khó để lẫn với các loài khác. Cụ thể, phần đầu của chúng rất lớn và có dạng khối, có thể chiếm từ 1/4 -1/3 chiều dài của cơ thể. Chúng có lỗ thở hình chữ S nằm rất gần phía trước đầu và hơi chếch một chút về phía bên trái cơ thể. Cấu trúc  như vậy khiến cá nhà táng có một thân hình rất bệ vệ, nhất là ở phía trước.

Cá nhà táng

Cá nhà táng

Cá nhà táng cái trưởng thành và sinh dục vào khoảng 7 đến 13 tuổi trong khi đó cá đực trưởng thành vào 18 tuổi. Khi trưởng thành, cá đực di chuyển lên những khu vực có vĩ độ cao, nơi có nước lạnh hơn và nguồn thức ăn cũng phong phú hơn; trong khi đó con cái vẫn tiếp tục sống ở các khu vực có vĩ độ thấp. Cá nhà táng cũng là một trong những loài vật có thời gian mang thai lâu nhất.

Thời gian mang thai lên đến 590 ngày tương đương với khoảng 19 tháng. Với thời gian mang thai như vậy cá nhà táng chính là loài động vật có thời gian mang thai lâu đứng thứ 3 trên thế giới. Theo các nhà khoa học, thì phải đến tuổi thứ 9, cá nhà táng cái mới có thể mang thai được và chúng phải mất gần 2 năm để có một đứa con.

4. Bọ cạp (18 tháng)

Bọ cạp là loài động vật không xương sống có tám chân thuộc lớp Arachnida. Bọ cạp được đặc trưng bởi việc sở hữu một chiếc đuôi có nọc độc. Nhìn chung, nọc độc của đa số loài bọ cạp không gây hại nhiều cho con người, những loài bọ cạp mang nọc độc gây chết người thường chỉ có ở châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ.

Bọ cạp

Bọ cạp

Để sinh sản bọ cạp đực sẽ chuyển túi tinh của mình sang cho con cái. Con đực có nhiệm vụ tìm nơi thích hợp để đặt túi bào tinh và hướng dẫn con cái giữ lấy nó. Con cái sẽ tiến hành đưa túi bào tinh vào trong nắp sinh dục của mình. Một khi giao cấu xong, chúng sẽ tách nhau ra. Mỗi loài bọ cạp sẽ có thời gian mang thai riêng. Loài bọ cạp hoàng đế Pandinus imperator mang thai khoảng từ 7-9 tháng, trong khi loài bọ cạp châu Phi Opisthacanthus asper có thời gian mang thai lên đến 18 tháng. Sau khi sinh, bò cạp mẹ sẽ thả những đứa con nằm trên lưng và chăm sóc cho đến khi đủ lớn.

5. Cá voi sát thủ (15 -18 tháng)

Cá voi sát thủ hay còn được gọi với các tên gọi khác như cá heo đen lớn, cá hổ kình, Orcinus orca. Đây là loài cá heo thuộc bộ cá voi có răng, là họ hàng của cá heo đại dương. Có thể nói cá voi sát thủ là phân loài cá voi lớn nhất trong họ. Chúng sống tại tất cả các đại dương trên thế giới, từ Bắc Băng Dương và vùng châu Nam Cực cho đến những vùng biển nhiệt đới ấm áp. Cá voi sát thủ linh hoạt nhanh nhẹ và thuộc loại động vật ăn thịt thông minh.

Cá voi sát thủ

Cá voi sát thủ

Cá voi sát thủ cái và đực đều trưởng thành ở tuổi 15, tuy nhiên con đực thường đến tuổi 21 mới tiến hành giao phối. Để tránh việc giao phối cận huyết, con đực và con cái sẽ kết đôi từ đàn khác. Thời gian mang thai của cá voi sát thủ rất dài lên đến 15 đến 18 tháng. Cá mẹ sẽ nuôi con, mỗi lần chỉ nuôi 1 con duy nhất trong vòng 5 năm. Cá voi sát thủ cái sẽ sinh sản đến tuổi 40 như vậy nghĩa là trung bình vòng đời của chúng sẽ nuôi 5 con non.

6. Tê giác (15 tháng)

Tê giác hay còn tên tiếng Anh là Rhinoceros hay Rhino là những loài động vật có vú guốc lẻ trong họ Rhinocerotidae. Đây loài động vật có vú trên cạn có kích thước lớn thứ hai trên trái đất. Vào đầu thế kỷ XX, ước tính có 500.000 cá thể tê giác sống tự do trong tự nhiên tại Châu Phi và Châu Á. Ngày nay, số lượng tê giác còn tồn tại trong môi trường hoang dã không nhiều.

Tê giác

Tê giác

Thời gian mang thai của tê giác khoảng 450 ngày tương đương với 15 tháng. Thời gian mang thai dài cũng chính là trở ngại cho việc gia tăng thêm số lượng cá thể loài này. Hiện có tất cả năm loài tê giác đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương, ba trong số đó thuộc trong diện cực kỳ nguy cấp cần bảo tồn.

7. Hươu cao cổ (13-15 tháng)

Hươu cao cổ là loại động vật ăn cỏ, chúng thường sinh sống ở các đồng cỏ và những triền núi ở khắp thế giới. Chúng có tên khoa học là Giraffa, thuộc dòng động vật có vú và thuộc bộ móng Guốc chẵn.

Hươu cao cổ được mệnh danh là động vật nhai lại lớn nhất hiện nay. Con đực trưởng thành có chiều cao lên đến 4.8 – 5.5 mét và cân nặng của chúng khoảng 1.300kg. Hươu cao cổ cái nhẹ hơn, chỉ nặng khoảng 800 – 850kg.

Hươu cao cổ

Hươu cao cổ

Hình thức sinh sản của hươu cao cổ là đa thê, một vài con đực lớn tuổi sẽ thực hiện giao phối với những con cái có khả năng sinh sản. Hươu cao cổ đực tiến hành đánh giá khả năng sinh sản của con cái bằng cách nếm nước tiểu của con cái. Thời kỳ mang thai của hươu cao cái cổ kéo dài 400 – 460 ngày tương đương với 13 – 15 tháng. Dù là loài động vật có đôi chân dài, nhưng hươu cao cổ mẹ vẫn sinh con ở tư thế đứng do đó để sống sót sau sinh con non cần đủ lớn để chịu đựng cú rơi từ trên cao (khoảng 2 m).

Trên đây là thông tin về 7 loài vật mang thai lâu nhất chúng tôi đã tổng hợp lại để chia sẻ với các bạn. Hy vọng thông qua bài viết các bạn đã có đáp án cho câu hỏi loài nào mang thai lâu nhất.

Bài viết liên quan